1. Đền Phú Xá: Nơi chứa đựng kho tàng lịch sử
Nằm
soi bóng bên hồ bán nguyệt với những hàng cây tỏa bóng mát trên mặt hồ, Đền Phú
Xá (phường Đông Hải 1, quận Hải An) hiện lên đầy vẻ linh thiêng, cổ kính. Là một
trong “tứ linh từ” của huyện cổ An Dương xưa, Đền Phú Xá cùng với nhiều di tích
trên địa bàn phường Đông Hải 1, tạo thành một quần thể di tích có giá trị to lớn
trong đời sống tâm linh và là kho tàng lịch sử sống động trong đời sống tinh thần,
văn hóa của người dân địa phương cũng như toàn thành phố.
Theo
sử sách ghi lại, Đền Phú Xá là một trong những di tích lịch sử sắn liền với chiến
thắng trong trận thủy chiến trên sông Bạch Đằng năm 1288 do Hưng Đạo Đại Vương
Trần Quốc Tuấn chỉ huy. Đó là chiến công đỉnh cao nhất trong ba lần đọ sức của
quân dân Đại Việt với quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ 13. Tương truyền, khi đó
để chuẩn bị cho cuộc đại chiến trên sông Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo đã lấy làng
Phú Lương xưa (nay là tổ dân phố Phú Xá, phường Đông Hải 1) làm nơi cất giữ kho
lương thảo, phục vụ cho chiến đấu. Trận chiến sông Bạch Đằng đại thắng, Đại tướng
quân Trần Hưng Đạo tiếp tục chọn làng Phú Lương là nơi mở hội khao thưởng quân
sĩ trước khi kéo quân về Vạn Kiếp. Năm 1300, khi Trần Hưng Đạo qua đời, dân
làng Phú Lương đã lập đền thờ Phú Lương (tức Đền Phú Xá ngày nay) để tưởng nhớ
công lao của người.
Đền
Phú Xá không chỉ là nơi nhân dân tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại vương Trần
Quốc Tuấn, nơi đây còn thờ tụng Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên, một người tướng
nuôi quân trong quân đội của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cùng dân làng
Phú Lương góp phần vào chiến thắng Bạch Đằng lịch sử. Theo sử sách ghi lại, năm
1288, khi đội quân của Trần Hưng Đạo trên đường đi đánh giặc Nguyên qua làng,
bà Bùi Thị Từ Nhiên - người con dâu họ Phạm của làng với tinh thần yêu nước đã
tự mình đem thóc gạo, vận động dân làng đóng góp, lập kho lương thảo để phục vụ
tướng sĩ nhà Trần đánh giặc.
Do
phải chiến đấu trên sông nước nên việc mang theo lương thảo gặp khó khăn, bà đã
nghĩ cách làm bánh đa tráng bằng bột chín để quân sĩ mang theo, sử dụng là món
lương khô rất thuận lợi trong chiến đấu. Để ghi nhớ công lao của bà trong cuộc
chiến với quân Nguyên Mông, trước khi rút quân về Vạn Kiếp, Trần Hưng Đạo đã
phong tặng cho bà là Nữ tướng hậu cần. Năm 1328, Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ
Nhiên qua đời, dân làng nhớ công lao của bà đã tạc tượng thờ bà tại đền thờ Phú
Lương cùng với Trần Hưng Đạo.
Đền
Phú Xá tọa lạc trên một thửa đất cao ráo, xây dựng theo thế phong thủy được
trùng tạo vào thời Tự Đức, trước cửa Đền là một hồ nước, Đền quay về hướng Đông
Bắc, phía cửa biển Bạch Đằng. Trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, Đền Phú Xá
ngày nay đã trở thành một công trình kiến trúc bề thế với kết cấu kiểu nội công
ngoại quốc, gồm 5 gian tiền đường, nhà thiên hương, giải vũ, nhà đệ nhị và hậu
cung. Ngôi đền nằm ẩn mình bên hàng cây cổ thụ với bộ mái đao cong lợp ngói mũi
hài của kiến trúc cổ Việt Nam. Trên hệ thống mái, nóc đền được trang trí đắp vẽ
các đề tài như lưỡng long chầu mặt trời, kim, nghê. Các đường nét trang trí, chạm
khắc, đắp vẽ mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ
20. Đặc biệt, những bức tượng pháp, cổ vật, đồ gốm có giá trị cao về mỹ thuật
và nghệ thuật điêu khắc có niên đại thế kỷ 17,18,19 được lưu giữ tại đây đã tạo
nên giá trị lịch sử của di tích.
Ông
Trịnh Thế Hanh - Phó Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 cho biết: “Hàng năm cứ vào
ngày 20-8 và 5-3 âm lịch, nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội
truyền thống để ôn lại Chiến thắng Bạch Đằng lịch sử, dâng hương tưởng niệm
công lao to lớn của Đức Thánh Trần và Nữ tướng hậu cần Bùi Thị Từ Nhiên. Các hoạt
động tế lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể với các hoạt động tín ngưỡng
dân gian mang đậm giá trị văn hóa cùng nhiều trò chơi dân gian, thu hút đông đảo
nhân dân, du khách thập phương về dâng hương, tham quan chiêm bái, nguyện cầu
cho quốc thái dân an”.
Cũng
theo ông Hanh, không chỉ là ngôi đền gắn liền với chiến thắng lịch sử trên sông
Bạch Đằng, trong kháng chiến chống thực dân, đế quốc, Đền Phú Xá còn là căn cứ
địa của các đồng chí hoạt động cách mạng, xây dựng lực lượng và tuyên truyền
phát động đấu tranh. Nơi đây còn là nơi cất giữ vũ khí, đạn dược, quân trang để
trung chuyển cho chiến trường miền Nam.
Với
ý nghĩa to lớn trong giáo dục truyền thống và lưu giữ những nét văn hóa nghệ
thuật kiến trúc đặc sắc, Đền Phú Xá đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp
hạng là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1988, trở thành điểm đến tham
quan bổ ích, hấp dẫn du khách trong và ngoài thành phố.
(Nguồn:
Đền Phú Xá: Nơi chứa đựng kho tàng lịch sử //Phạm Ngân //http://anhp.vn .- Ngày
9/1/2018)
2. Hai ngôi chùa kỳ lạ ở Hải
Phòng: Cứ bất hòa đến cửa chùa là hết giận
(VTC News) - Hai ngôi chùa ở vùng quê
yên bình ấy đã góp phần hóa giải biết bao vụ cãi vã nghiêm trọng tưởng chừng
như phải ra tòa án phân xử.
Người dân nơi đây truyền tai nhau câu
ca “Đức Ông chùa Ta, Đức Bà chùa Cồn” ý nói về sự linh thiêng của hai ngôi chùa
ở xã Đoàn Xá và xã Đại Hợp thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng. Hai ngôi chùa ở
vùng quê yên bình ấy đã góp phần hóa giải biết bao vụ cãi vã nghiêm trọng tưởng
chừng như phải ra tòa án phân xử.
Hai
ngôi chùa “hòa giải”:
Từ bao đời nay, cái làng chài ấy yên
bình lắm, người dân nơi đây sống chan hòa, thân ái. Sở dĩ như vậy bởi đã từ lâu
lắm, mỗi khi ai trong làng có chuyện cãi nhau lớn nhỏ gì mà không thể giảng hòa
được thì đều kéo nhau lên chùa để thề chứng minh cho sự trong sạch, ngay thằng
của mình. Thế nhưng, mới bước đến cổng chùa thôi thì sự cãi cọ đã được hóa giải,
cả hai bên đều làm hòa và ai về nhà nấy.
Rất nhiều những câu chuyện “hòa giải”
giữ vẹn nguyên tình làng nghĩa xóm đều xoay quanh hai ngôi chùa kỳ lạ ở xã Đoàn
Xá và xã Đại Hợp (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng). Đi trên triền đê, rẽ xuống một
ngõ xóm nhỏ thì đến được chùa Càn Thiên mà người dân quen gọi nôm na là chùa Cồn.
Ngôi chùa tọa lạc ở trung tâm làng Quần Mục, xung quanh là rất nhiều nhà dân.
Qua sự giới thiệu, tôi tìm gặp ông Phạm
Văn Hy (64 tuổi), một người sống ngay cạnh chùa. Hễ cứ rảnh rỗi, ông Hy lại qua
chăm sóc quét dọn cho ngôi chùa. Hơn nữa, ở đây từ nhỏ nên ông Hy năm rõ hơn ai
hết những câu chuyện của người dân mà ngôi chùa giúp “giảng hòa” mỗi khi họ có
xích mích.
Hơn sáu chục năm sống ở đất này, chuyện
làng trên xóm dưới những lúc “cơm không lành, canh không ngọt” ông Hy đều tỏ tường.
“Chuyện cãi vã nhau ở đây cũng nhiều lắm, cãi nhau về đủ thứ chuyện. Ấy thế
nhưng dù cãi to đến mấy, khi không có cách nào giải quyết thì người ta lại lôi
nhau lên chùa này mà thề. Mà kỳ lạ, cứ ai đến cổng chùa cũng thôi không thề nữa
mà làm hòa rồi rủ nhau đi về. Tôi chưa thấy một trường hợp nào phải vào đến
trong chùa mà thề thốt cả”
Ông Phạm Văn Hy kể một loạt những vụ
“oan án” điển hình xảy ra trong cuộc sống của bà con lối xóm, người trong gia
đình, người trong dòng họ ở đất này cãi vã ra làm minh chứng. Từ những chuyện
nguyên nhân là do mất con gà, con chó hay đồ dùng sinh hoạt. Nhà nọ đổ vạ cho
nhà kia nhưng không có bằng chứng, người bị đổ vạ thì khăng khăng là mình không
lấy, thế là họ mua vàng hương rồi cùng nhau lên chùa dâng hương thề bồi để tỏ
rõ sự trong sạch. Thế nhưng, chẳng hiểu sao cứ hễ đặt chân đến cổng chùa thì y
như rằng mọi điều nóng giận, uất hờn cả hai bên đều tự nhiên tan biến như chưa
hề xảy ra. Kết quả là sau khi vào chùa dâng hương, cả hai gia đình lại vui vẻ
làm hòa, lại giao hảo như chưa có chuyện xích mích xảy ra.
Câu chuyện xem ra là đình đám nhất ở
vùng đất này cách đây mấy năm là chuyện nhà cô Vũ Thị Đ. là cháu dâu của bà
Nguyễn Thị L.. Một lần cô Đ. sang nhà bà L. chơi, sau khi ra về thì bà L. phát
hiện mất mấy chỉ vàng. Mọi nghi ngờ bà L. đổ hết lên đầu cô Đ. khiến gia đình lục
đục.
Bia đá chùa Cồn
Không có cách nào giải quyết mà cuộc
cãi vã càng lúc càng to, không ai chịu ai, dù khuyên giải thế nào cũng được. Thấy
vậy, ông Hy bèn khuyên cả hai lên chùa để thề chứng minh mình hoàn toàn trong
sáng. Vừa mới lúc trước, cô Đ. và bà L. khi ở nhà còn kéo tay, túm áo, mặt đỏ
tía tai giằng co nhau vậy mà chỉ vào tới cửa chùa thì lạ thay chả ai dám vào
chùa để mà thề mà lại dắt nhau về. Kỳ lạ hơn, sau một thời gian sau họ lại
“bình thường hóa quan hệ”, sống cuộc sống hòa thuận.
Ngôi chùa Đồng Bình nằm trên một cánh đồng
ở xã Đoàn Xá cũng có những câu chuyện tương tự. Bà Niêu Thị Dùng (77 tuổi) là
người thường xuyên sang giúp việc cho nhà sư trụ trì cho biết: “Chùa xây trên
cánh đồng tên là Bình nên gọi là chùa Đồng Bình. Chùa Đồng Bình còn có tên là
Kiến Phúc Tự”. Những câu chuyện người làng có xích mích rồi đến chùa để thề bồi
ở nơi đây cũng không phải hiếm.
Bà Dùng kể trước đây có người từng nói
xấu, vu vạ cho người khác là ăn cắp, người ấy nghe được mới có những lời lẽ phản
bác dẫn đến xúc phạm nhau. Sự việc gay gắt đến độ họ còn chặt đôi cây chuối để
thể hiện sự trong sạch của mình và để chứng minh cho sự trong sạch ấy họ đòi
đưa nhau ra chùa thề. Nhưng đến nơi chẳng ai dám vào mà thề cả, họ đứng phân
vân ở cổng một lúc nói dăm ba câu chuyện tầm phào với nhau rồi… nhà ai nấy về!?
Những
huyền tích kỳ lạ về “Đức Ông chùa Ta” và “Đức Bà chùa Cồn”:
Trong một lần gặp gỡ nhà sử học Ngô
Đăng Lợi, người viết bài này đã tìm hiểu về gốc tích câu ca “Đức ông chùa Ta, đức
Bà chùa Cồn”, nhà sử học Ngô Đăng Lợi cho biết: Câu ca trên xuất phát là của
người dân xã Đoàn Xá. “Đức Ông chùa Ta” ý nói là chùa Đồng Bình trước đây thờ
Đông Hải Đại Vương (Đoàn Thượng) có công dẹp giặc biển và mở mang đất này. Còn “Đức
Bà chùa Cồn” là chỉ ngôi chùa Càn Thiên bên xã Đại Hợp ngay cạnh, ngoài thờ Phật
ra chùa Cồn còn thờ Mẫu. Cả hai ngôi chùa đều rất thiêng và là nơi sinh hoạt
tâm linh của người dân nên họ mới lưu truyền câu ca như vậy.
Quay trở lại về sự linh thiêng của hai
ngôi chùa, những giai thoại trước đây người ta kể về hai ngôi chùa thì nhiều lắm,
ví như những câu chuyện mà người dân lấy đồ của chùa về làm của riêng thì thường
bị “phạt” hay đêm đêm thần phật về báo mộng đòi lại khiến người ta kinh hãi.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi kể lại một số
chuyện về hai ngôi chùa ẩn chứa nhiều điều kỳ bí này. Theo ông Lợi, mỗi ngôi
chùa có một sự phát triển lịch sử khác nhau và những giá trị văn hóa lịch sử của
nó rất rộng lớn. Có một câu chuyện về sự linh thiêng của ngôi chùa mà đến tận
bây giờ dân làng nơi đây vẫn mang ra để răn dạy con cháu.
Khoảng những năm 70 của thế kỷ trước,
trong chùa có hai pho tượng đồng mà khi đúc xong người ta đem hun khói cho đen
lại. Khi ấy, bọn trộm cắp đồ cổ cứ nghĩ đây là hai pho tượng đồng đen quý giá
nên nhòm ngó rình rập tìm cách ăn trộm.
Đêm hôm đó, lợi dụng trời mưa bão,
chúng trèo tường vào chùa trộm được một pho tượng, pho tượng còn lại do vội
vàng, trong lúc vận chuyển bị gãy mất một tay. Vì pho tượng Phật bị gãy mất một
tay nên bọn trộm mới phát hiện đố không phải đồng đen mà chỉ là đồng hun cho
đen lại. Ngay sau đó, phát hiện có kẻ trộm, người dân truy đuổi thì bọn trộm quẳng
tượng xuống mương. Dân làng đuổi bắt được người một tên còn một tên chạy thoát.
Kẻ bị bắt bị giải về UBND xã để chính
quyền xử lý nhưng không hiểu tại sao đi qua cánh đồng thì bị sét đánh chết ngay
mặc dù xung quanh tên trộm lúc đó rất đông người dân cùng nhau áp giải tên trộm
nhưng chẳng ai bị sao cả. Không lâu sau, người làng nghe tin tên trộm trốn
thoát kia cũng chết đuối ở sông Văn Úc cách đó không xa.
Ở chùa Cồn thì lại có một câu chuyện
khác, chuyện liên quan đến tấm bia của bà chúa được dựng trong chùa. Thời kỳ
tiêu thổ kháng chiến, tấm bia ghi lịch sử hình thành và công đức của những người
mở đất bị người dân mang ra bắc làm cầu ao. Lâu dần tấm bia bị lấp đi, đất phủ
kín toàn bộ. Đến khi người dân ý thức được giá trị lịch sử, văn hóa của tấm bia
thì mới nháo nhác đổ xô đi tìm nhưng chẳng ai tìm thấy. Bỗng một hôm có một người
phụ nữ lạ mặt đi qua, trước đây người này chẳng biết gì về chuyện tấm bia đá bị
lấp cả thế nhưng bà này hôm đấy như có ai xui khiến mà chỉ cho dân làng đào
đúng chỗ có tấm bia.
Giờ đây ở Đoàn Xá, Quần Hợp người ta vẫn
truyền tai nhau nghe những câu chuyện linh thiêng về hai ngôi chùa như vậy. Có
lẽ vì thế mà bất cứ ai có những bất hòa không thể giải quyết được thì họ lại
đưa nhau lên chùa, dựa vào sự linh thiêng ấy mà giải quyết khúc mắc. Phải
chăng, chính những điều kỳ lạ đó đã mang đến một cuộc sống bình yên cho làng
xóm nơi đây?.
(Nguồn: Hai ngôi chùa kỳ lạ ở Hải
Phòng: Cứ bất hòa đến cửa chùa là hết giận //Hoàng Lê //https://vtc.vn .- Ngày
10/1/2018)
3. Người chiến sĩ trên trận tuyến
phòng chống tội phạm ma túy
VOV.VN -Đại úy Vũ Thư, Công an quận Hồng
Bàng, TP Hải Phòng được coi là chiến sĩ dũng cảm trong phòng chống tội phạm ma
túy.
Trên mặt trận phòng chống tội phạm ma
túy, Đại úy Vũ Thư, Phó đội trưởng đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy
Công an quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng luôn là nỗi ác mộng đối với các đối
tượng gieo rắc “cái chết trắng”.
Đại tá Nguyễn Đức Cường, Trưởng Công an
quận Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng cho biết, Đại úy Vũ Thư là một chiến sĩ
dũng cảm, là tấm gương sáng cho các đồng đội. Chuyên án 983M, bắt giữ các đối
tượng trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy từ các tỉnh khác về Hải
Phòng đã thể hiện bản lĩnh, ghi dấu ấn trong nghề của đồng chí Vũ Thư.
“Đồng chí Thư đã thể hiện rõ vai trò là
đầu tàu gương mẫu, luôn quan tâm đến anh em cán bộ chiến sĩ, từ những việc vui
việc buồn, lớn nhỏ trong gia đình, qua đó góp phần xây dựng tính đoàn kết của
đơn vị. Có những trường hợp mà đồng chí đã phải dùng xe để ngăn chặn, đâm thẳng
vào đối tượng Nghĩa mang trong mình 5.000 viên ma túy tổng hợp. Nhờ sự dũng cảm
mưu trí ấy đã bắt giữ đối tượng một cách an toàn”, Đại tá Đức Cường nói.
Năm 2017, Công an quận Hồng Bàng đã xử lý 46 vụ, bắt giữ
67 đối tượng buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và tổ chức sử dụng trái phép chất
ma túy. Trong đó, hầu hết các chuyên án là do Đội cảnh sát điều tra tội phạm về
ma túy, Công an quận Hồng Bàng phá án.
Bên cạnh đó, các vụ bắt chủ lô đề, cá độ
bóng đá cũng có sự góp mặt của Đại úy Vũ Thư, với vai trò là trinh sát. Điển
hình là chuyên án 972M, kết quả đã bắt giữ được 08 đối tượng cầm đầu đường dây
lô đề, thu giữ gần 62 triệu đồng tiền mặt và nhiều giấy tờ quan trọng liên quan
đến vụ án.
Đại úy Cao Xuân Bình, Đội Trưởng đội
Chính trị - Hậu cần, Công an quận Hồng Bàng chia sẻ: “Đồng chí Vũ Thư luôn có ý
thức gương mẫu trong việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có lối
sống giản dị, lành mạnh, trong sáng, có tác phong dân chủ khoa học và tính quyết
đoán trong công việc. Đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước tập
thể đội, để tham mưu cho Đảng ủy, Lãnh đạo Công an quận, hoàn thành tốt nhiệm vụ
đấu tranh phòng chống tội phạm, góp phần vào thành tích chung của đơn vị trong
những năm qua”.
Với tính chất nguy hiểm trong công việc
là thế, luôn phải mật phục theo bám các đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy,
không quản ngày, đêm nên việc thường xuyên phải vắng nhà là điều khó tránh khỏi.
Theo đồng chí Vũ Thư, sự cảm thông từ
gia đình là nguồn động lực mạnh mẽ để anh yên tâm công tác và hoàn thành tốt
nhiệm vụ được giao.
Trên trận tuyến chống lại “cái chết trắng”
đang hằng ngày diễn ra với nhiều nguy hiểm khó lường, thường xuyên phải đối mặt
với các đối tượng manh động và liều lĩnh hơn, Đại úy Vũ Thư luôn phấn đấu cố gắng,
hoành thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với những đóng góp của mình, Đại úy Vũ
Thư và tập thể chiến sĩ Đội cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an quận
Hồng Bàng, thành phố Hải Phòng đã góp phần ổn định an ninh trật tự trên địa
bàn, qua đó tạo niềm tin cho nhân dân vào vai trò của lực lượng Công an trong
công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm./.
(Nguồn: Người chiến sĩ trên trận tuyến
phòng chống tội phạm ma túy //https://vov.vn.- Ngày 4/1/2018)
4. Đánh thức những tiềm năng
phát triển du lịch tại Thủy Nguyên
Thủy Nguyên được biết đến là một mảnh đất
màu mỡ, trù phú với nhiêu tiềm năng để phát triển du lịch. Nhưng đến nay, hiệu
quả khai thác của địa phương còn chưa xứng đáng với tiềm năng vốn có…
Nằm ở phía Bắc thành phố, Thủy nguyên
là một huyện lớn với diện tích là hơn 261 km2 và dân số trên 33 vạn người. Là một
mảnh đất trù phú, màu mỡ, Thủy Nguyên hội tụ sự đa dạng về cảnh quan thiên
nhiên, có nhiều sông ngòi, hệ thống núi đất, núi đá vôi trải dài tạo nên cảnh
quan đẹp kỳ vĩ.
Bên cạnh đó với kho tàng văn hóa vật thể,
phi vật thể phong phú, đặc sắc, con người thân thiện, cởi mở… là những tiềm
năng tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn có giá trị, thuận lợi cho phát triển
du lịch. T
Thuộc vùng kinh tế trọng điểm vùng Bắc
Bộ, nằm trong tứ giác du của vùng được xác định bao gồm Hà Nội- Quảng Ninh-Hải
Phòng- Ninh Bình, Thủy Nguyên còn có nhiều thuận lợi về vị trí địa lý, có hệ thống
cơ sở hạ tầng kinh tế phát triển, là đầu mối giao thông quan trọng của thành phố.
Đây là thế mạnh của huyện để phát triển
kinh tế và giao thương với các địa phương thuộc vùng huyên hải Bắc Bộ, đồng thời
cũng là điều kiện để thu hút khách du lịch, các doanh nghiệp trong và ngoài nước
và đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại huyện.
Cùng với sự phát triển của thành phố và
và đất nước, Thủy nguyên tiếp tục vươn mình mạnh mẽ với những bước đi nhanh
chóng, vững chắc.
Phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình,
trong những năm qua, Thủy Nguyên luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Đến
nay trên địa bàn huyện có nhiều dự án, công trình lớn, trọng điểm đã và đang được
đầu tư xây dựng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội như: Cầu Bính,
cầu Kiền, Dự án Xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Bắc Sông Cấm, Dự án
khu vui chơi, giải trí, nhà ở và công viên sinh thái đảo Vũ Yên… Đây chính là nền
tạng quan trọng cho các hoạt động khai thác du lịch trên địa bàn huyện.
Theo ông Nguyễn Hữu Ngần, Giám đốc
Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện Thủy Nguyên cho biết: Hiện nay trên địa bàn
huyện có 149 di tích. Trong đó có một số di tích, cụm di tích được đầu tư xây dựng,
trùng tu, tôn tạo theo hướng trở thành những công trình văn hóa, kiến trúc có
giá trị, phục vụ phát triển du lịch, tạo nguồn tài nguyên du lịch nhân văn cho
huyện, tiêu biểu như: Đình Kiền Bái (xã Kiền Bái), chùa cổ Mỹ Cụ (xã Chính Mỹ);
Cụm di tích lưu niệm Trạng Nguyên Lê Ích Mộc (xã Quảng Thanh)…
Hằng năm có 155 lễ hội được tổ chức định
kỳ, chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Một số lễ hội của huyện đã khẳng định
được giá trị, sức lan tỏa và dần trở thành những sản phẩm du lịch có sức hấp dẫn
đối với khách du như: Lễ hội truyền thống Tràng Kênh-Bạch Đằng, hội xuân và lễ
khai ấn tại Khu di tích tưởng niệm các chiến thắng trên sông Bạch Đằng (thị trấn
Minh Đức), lễ hội đình Tân Dương (xã Tân Dương)…
Các loại hình nghệ thuật trình diễn dân
gian được bảo tồn và phát huy với định hướng đưa di sản văn hóa phục vụ phát
triển du lịch như: Ca trù tại xã Hòa Bình, hát Đúm tại các xã Lập Lễ, Phả Lễ,
Phục Lễ…
Đồng thời các làng nghề thủ công truyền
thống bước đầu được đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch như làng cau
Cao Nhân, bưởi Lâm Động, gốm sứ Dưỡng Động…các cơ sở lưu trú du lịch, dịch vụ
ăn uống, các loại hình dịch vụ vui chơi giải trí đã từng bước đáp ứng nhu cầu
nghỉ dưỡng của du khách.
Được biết, từ năm 2008, Phòng đã tham
mưu cho UBND huyện phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng và đưa vào khai
thác tuor du lịch Bắc Sông Cấm Hải Phòng-Thủy Nguyên, kết nối nội thành Hải
Phòng với một số điểm tham quan tiêu biểu của huyện như: Đình Kiền Bái, Quần thể
Di tích lịch sử, danh thắng Tràng Kênh-Bạch Đằng, khu vực hồ Sông Giá, Cụm di
tích lưu niệm Trạng nguyên Lê Ích Mộc.
Số lượng du khách đến với Thủy Nguyên
tăng theo từng năm, năm 2013 lượng khách từ 70.000 -80.000, năm 2017 lượng
khách tăng lên gần 10 lần và tăng 30% so với năm 2016. Trong đó khách nội địa
chiếm khoảng 91%. Lượng khách quốc tế chủ yếu đến Khu tổ hợp Resort sông Giá,
tham quan một số điểm như đền thờ Trần Quốc Bảo, làng bưởi Lâm Động.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tuy
nhiên hiện nay Thủy Nguyên chưa có quy hoạch phát triển du lịch tổng thể; công
tác đầu tư, quy mô, phương thức, hiệu quả khai thác còn xưa đáng với giá trị
các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn của huyện.
Do vậy, các nguồn tài nguyên vẫn tồn tại
dưới dạng tiềm năng, chưa được phát huy trở thành những sản phẩm du lịch thực sự.
Huyện chưa có lễ hội cấp vùng, các lễ hội của huyện phần lớn quy mô vừa và nhỏ,
việc tổ chức còn chưa tạo được điểm nhấn, còn hạn chế về đầu tư nên thiếu tính
hấp dẫn. Hiện trạng cơ sở lưu trú dịch vụ du lịch,dịch vụ vui chơi giải trí có
quy mô nhỏ…
Để từng bước khai thác tối đa tiềm
năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch, truyền thống lịch sử của
huyện trở thành những sản phẩm thực sự hấp dẫn với du khách, đồng thời phát triển
du lịch theo hướng bền vững, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội của
địa phương, huyện Thủy Nguyên mong muốn thành phố quan tâm đầu tư cở vật chất
cho các điểm du lịch trên địa bàn, trước hết là 3 điểm là Đình Kiền Bái, Chùa Mỹ
Cụ, Làng cau Cao Nhân; tập trung nguồn lực tổ chức thường niên lễ hội chiến thắng
Bạch Đằng, từng bước đưa lễ hội trở thành lễ hội cấp vùng; hỗ trợ địa phương kết
nối với các doanh nghiệp lữ hành, các tổ chức hoạt động du lịch nhằm đưa vào
chương trình du lịch của các đơn vị những điểm đến có lễ hội đặc sắc của Thủy
Nguyên
Phát triển du lịch trở thành một ngành
kinh tế có tốc độ phát triển mạnh trên cơ sở khai thác có hiệu quả lợi thế về tự
nhiên, sinh thái, truyền thống văn hoá lịch sử là một mục tiêu của chiến lược
phát triển bền vững của rất nhiều địa phương. Thiết nghĩ, nếu thực hiện tốt các
giải pháp toàn diện và lâu dài cho phát triển du lịch thì Thủy Nguyên sẽ có nhiều
cơ hội trở thành một trong những trung tâm du lịch khu vực phía Bắc của thành
phố và của đất nước trong tương lai.
(Nguồn: Đánh thức những tiềm năng phát
triển du lịch tại Thủy Nguyên //Xuân Hạ //http://anhp.vn.- Ngày 25/1/2018)
5. Thanh niên trẻ khởi nghiệp từ
đồng đất
Anh Nguyễn Văn Hậu, sinh năm 1985, ở Tổ
dân phố Bình Minh, phường Hợp Đức (quận Đồ Sơn), sinh ra và lớn lên trong một
gia đình làm nông nghiệp nghèo. Hậu được bố mẹ động viên dồn sức nuôi ăn học và
đã tốt nghiệp đại học. Gia đình mong cho anh sau này có một công việc ổn định
không phải chân lấm tay bùn. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hậu làm việc tại một số
công ty, nhưng cảm thấy đồng lương không phù hợp.
Năm 2010, Hậu nhận thấy diện tích đất
nhà mình khá rộng nên nghiên cứu các mô hình làm nông nghiệp mang lại giá trị
cao. Hậu thuyết phục gia đình nuôi ba ba theo mô hình mới. Năm 2011, anh quyết
định nghỉ việc để tập trung vào làm nông nghiệp. Cơ nghiệp ban đầu là 2 ao nhỏ
được đầu tư làm ao nuôi ba ba sinh sản và ba ba thương phẩm và 1 ao to để nuôi
cá. Tổng chi phí đầu tư xây dựng và mua con giống hết 180 triệu đồng và cải tạo
vườn trồng cau và cây ăn quả, kết hợp với trồng rau.
Đến năm 2013, Hậu bước đầu thành công,
ba ba sinh sản thu hoạch hơn 600 con ba ba giống và trên 100 con ba ba thương
phẩm, thu lãi 100 triệu đồng. Năm 2014, anh mạnh dạn kết hợp nuôi gà trên phần
diện tích trống còn lại. Sau hơn 2 năm nuôi gà thịt thấy không hiệu quả, Hậu bỏ
công đi học hỏi khắp các trang trại và quyết định đầu tư nuôi gà siêu trứng. Có
được kỹ thuật trong tay, người thanh niên trẻ mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng
trại và lắp lồng nuôi theo mô hình khép kín hơn 750 gà đẻ trứng, trừ chi phí hậu
thu, lợi nhuận 180 triệu đồng/năm. Khi công việc nuôi gà đẻ siêu trứng dần ổn định,
anh nghiên cứu thêm sản xuất gà giống. Hậu nghiên cứu phương pháp thụ tinh nhân
tạo cho gà. Với những giống gà quý và trọng lượng lớn như gà Đông Tảo hay gà Hồ
thì phương pháp thụ tinh nhân tạo là rất cần thiết đem lại hiệu quả cao. Nhận
thấy vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm là rất cao nên Hậu cũng tìm kiếm các
phương pháp làm hữu cơ áp dụng cho cây trồng vật nuôi nhằm bảo đảm sức khỏe cho
người tiêu dùng. Đến nay, cơ ngơi của anh Nguyễn Văn Hậu có tổng diện tích hơn
5.000 m2, đem lại lợi nhuận từ 750 đến 800 triệu đồng/năm.
Anh Nguyễn Văn Hậu được Trung ương Đoàn
Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xét tặng Giải thưởng Lương Định Của năm 2017
cho thanh niên có thành tích đặc biệt xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, phát
triển ngành nghề, bảo vệ môi trường và xây
dựng nông thôn mới.
(Nguồn: Thanh niên trẻ khởi nghiệp từ đồng
đất //Bảo Nam
//http://www.baohaiphong.com.vn.- Ngày 19/1/2018)

